Hồng Muộn

Chưa bao giờ tôi thấy khoa học kĩ thuật lại là một công cụ với con dao hai lưỡi như vậy. Cùng với sự cải tạo và tiên tiến của y học hiện thời, mọi thứ bệnh hiểm nghèo đều có thể chuyển thành xác xuất sống còn, thậm chí còn có thời gian dự đoán khá chính xác nữa. Tuy vậy, hầu như tất cả đều không dự đoán được cảm hứng nhất thời của con người.

Từ khi chị ta gặp bác sĩ và biết mình đã bị ung thư giai đoạn cuối, chỉ còn sống được ba tháng là tối đa, cuộn giấy của tôi ngày nào cũng có xác xuất tử vong ít nhất là 75%. Vậy mà lúc nào, tôi cũng phải bất lực nhìn chị ta sống sót thêm một ngày nữa.

Là một người đưa đường rảnh rang, cộng với bản tính kiên trì không bỏ sót muốn đi đến cùng, cả tháng hầu như ngày nào tôi cũng làm bóng ma đi theo chị ta. Đương nhiên, cũng vì chẳng có ai trong danh sách kia có xác suất tử vong cao hơn chị ta cả.

Hôm bác sĩ đưa ra phán xét cuối cùng cho số phận của chị ta, tôi thấy được vẻ ngỡ ngàng và yếu đuối của một người nghe tin mình sắp chết. Sau cả tháng khám, đo, xét nghiệm đủ loại, chị ấy rất bình tĩnh, hỏi đi hỏi lại về bệnh tật của mình, vì sao cho đến tận lúc này chị vẫn không biết, rằng có phải bác sĩ có đùa hay không. Vẻ mặt chị có chút gấp gáp khi sự thật từ từ được giải mã qua não bộ, sau đó lại hỏi có phương pháp nào có thể cứu chữa không? Mổ, Hóa trị, hay Xạ trị? Sau đó chị bật khóc: “Bác sĩ ơi, tôi có một chồng và một đứa con, tôi thật không muốn bỏ lại họ vào lúc này!”

Vị bác sĩ già đưa cho chị hộp khăn giấy, sau đó thở dài: “Những phương pháp trị liệu đó bây giờ chị có thể khiến mạng sống của chị bị nguy hiểm hơn mà thôi, tôi nghĩ chị nên về và chuẩn bị tâm lý cho chính mình và gia đình…”

Ngày hôm đó, từ trạm xe buýt, chị đã đi bộ lòng vòng một hồi lâu, qua những con đường tấp nập, những cái ngách nhỏ nhà nhà san sát, mặc kệ tiếng còi xe inh ỏi, cái nắng gắt, đi mà không biết mình đi đâu. Dừng lại một hồi lâu, ngẩng lên, đã thấy mình về đến nhà. Ngồi thừ trên ghế hai tiếng, tiếng chuông đồng hồ điểm năm giờ, chị như cái máy đứng đậy, thay quần áo, đeo tạm dề, và bắt đầu nấu ăn. Hôm nay con trai học thêm đến 9 giờ tối mới về, có lẽ anh sẽ về sớm, chị cần phải nói với anh trước về bệnh tình của mình.

Tiếng lạch cạch mở cửa, chị nhìn lên, đã thấy anh trước mặt. Chưa kịp mở miệng nói lời chào, anh đã thận trọng nắm tay chị: “Anh có chuyện cần nói với em.” Tôi ngạc nhiên quan sát, ánh mắt chị, vừa mới hiện thị một tia sáng mong đợi, đã đột ngột tối sầm.

Chị không nói không rằng, lặng lặng nuốt cơm như bò nhai cỏ. Anh ngập ngừng mãi mới mở được lời: “Chúng mình ly hôn đi!” Câu nói khiến kẻ quan sát như tôi đây giật mình nhưng lại chẳng mảy may khiến chị chấn động. Chị chỉ hỏi: “Vì sao?” Nhưng anh ta không mở được miệng, ánh mắt phức tạp luôn tránh tia nhìn của chị. Chị hét lên: “Anh không phải là một thằng đàn ông!” Có trời và kẻ đưa đường của anh ta mới biết, khả năng tử vong lúc này của anh ta cao bao nhiêu.

Tuy nhiên, tôi cũng chẳng thấy thêm đồng nghiệp nào đến cả, chỉ thấy căn nhà ngột ngạt khôn lường. Kiểm tra cuộn giấy, xác suất vẫn thế, tôi lẳng lặng ra ngoài cho thoáng.

Ngày hôm sau, tôi lại nhìn thấy cảnh chị đọc tờ giấy điều kiện ly hôn mà anh ta đưa, cười nhạt và xé vụn. Cả ngày hôm đó, chị rơi vào trầm cảm. Tôi có cảm giác, có khi xác suất chết vì tự tử của chị còn cao hơn vì bệnh tật. Tuy nhiên, khả năng đó không hề hiện lên trên cuộn giấy của tôi.

Chị nằm trên giường rất lâu, sau đó soạn thảo ra một bản những gì chị muốn làm trước khi chết, cộng thêm một bản điều kiện ly hôn của chính mình. Lúc đầu nó chỉ là những dòng chữ sơ sài, sau đó chị liên tục cho thêm vào. Đến khi nó quá dài, chị lại gạch đi, ghi tờ mới.

Anh ta về, cũng chẳng quan tâm, leo lên giường, ngủ. Tôi thấy hai vợ chồng có mười năm gắn bó này thật có vấn đề. Ngay đến việc làm của chị còn khiến một kẻ như tôi tò mò, trong khi người ngày ngày kề vai sát cánh trong gia đình kia lại không có biểu hiện gì ngạc nhiên cả.

Nhưng những điều kiện ly hôn của chị thì thật sự khiến anh ta ngạc nhiên. Tuy vậy, anh vẫn nhận lời. Tôi tò mò theo anh ta tìm hiểu, ra là anh ta có tình nhân. Chẳng biết anh ta đã lừa dối chị bao lâu, tôi đột nhiên cảm thấy chị là kẻ tội nghiệp nhất trong số những người nằm trong danh sách của tôi. Cũng phải, là hậu duệ cuối cùng của một gia đình độc ác, có khi nhân quả đã khiến chị phải chịu những thứ này.

Việc thực hành điều kiện hàng sáng là lúc tôi thấy chị hạnh phúc nhất, hay ít ra, chị cũng tỏ ra như thế. Đương nhiên, chẳng ai trong gia đình biết sau đó chị như thế nào. Chị nộp đơn xin nghỉ việc ngay ngày đầu tiên ấy, sau đó thảo luận với sếp, và dọn đồ. Hôm đó, khi về nhà, chị lên cơn đau. Hơi thở nặng nhọc, chị cong người lại, run bần bật lên vì đau. Thuốc giảm đau bác sĩ kê đơn thì rơi vãi đầy sàn. Cơn đau khiến chị ngất đi, tôi thấy mỗi lần chị đau, xác xuất tử vong lại lên 80%. Sau đó, khi tỉnh lại, chị lom khom thu dọn những viên thuốc, lau đi dấu nước trên nền nhà do chiếc ly rơi xuống khi chị run tay lúc đau. Sau đó lại bắt đầu chuẩn bị cơm nước.

Ngày hôm sau, khi lên xe buýt, chị bắt đầu mở danh sách của mình ra và bắt đầu làm những gì mình muốn. Tham quan thành phố, vào chùa, nhà thờ, nhìn ngắm trời mây. Gặp bạn bè, đi chơi đây đó, mua sắm quần áo cho con. Đến thăm mộ cha mẹ, xin lỗi những người chị cần. Đương nhiên , chị luôn cầm sẵn thuốc và nước để đề phòng trường hợp bất trắc.

Ba tuần trôi qua, chị đã làm hết mọi thứ trong danh sách. Anh ta cũng phát hiện chị gầy thêm, ánh mắt thoáng xót xa khiến tôi nghĩ thật ra chị cũng đang tự mình chinh phục lại anh rồi. Chị bắt đầu chăm chú đi chợ, sau đó dành cả ngày viết. Những lá thư cho anh, con trai. Chị viết rất chăm chú, nhưng mỗi ngày chỉ được tối đa hai lá. Tuy nhiên, những cơn đau đến ngày càng nhanh và nhiều. Có lẽ vì chị đã dùng quá nhiều sức trong mấy tuần qua.

Ngày cuối cùng của thỏa thuận, anh ôm chị thật chặt, nói một lời bằng ngàn từ xin lỗi. Chị đã khóc rất nhiều. Cùng lúc tôi cũng có thêm một người nữa trong danh sách bị tai nạn, phải đi ngay.

Khi tôi vừa xong việc, mở cuộn giấy ra, đã thấy tên chị chuyển màu, xác suất tử vong không còn là 100% nữa, mà đã được đưa về thế giới khác bởi Hồng, người dẫn đường tạm thế của tôi. Vì linh hồn mới thoát chẳng qua chỉ là những nguồn năng lượng yếu đuối không được bảo vệ, họ cần phải được đưa đi nhanh chóng. Chỗ chúng tôi vì vậy cũng có hệ thống tạm thế phức tạp. Nói chung là để đảm bảo không để lại cái linh hồn vất vưởng nào. Chị đã chết khi ngủ, vì tế bào ung thư phát triển đã lan vào máu, chỉ cần một cử động bình thường trong lúc ngủ có thể khiến mạch máu nghẽn, não chết vì thiếu oxy.

Tự nhiên tôi lại thấy căm ghét kẻ bị tai nạn hỏi nhiều kia thậm tệ. Tuy vậy, tôi vẫn muốn nhìn mặt chị lần cuối. Lần đầu tiên tôi thấy anh ta đến trước tôi một bước. Bó hoa hồng trên sàn, tấm thiệp rơi ra, trên đó ghi: “Anh sẽ bế em mỗi sáng cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta.”

Bình luận về bài viết này